Đề xuất sửa đổi xử phạt VPHC trong hoạt động KH&CN

Thứ tư - 14/03/2018 00:14    

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

 
 
 Ảnh minh họa - Internet

Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) năm 2013 có hiệu lực từ 01/01/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2014/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2013/NĐ-CP. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu ở phần quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động khoa học và công nghệ để phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Phần quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn được giữ nguyên. Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2017, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cũng đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Hình thức xử phạt

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, cá nhân, tổ chức phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: a- Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá, thẩm định giá, giám định công nghệ; b- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; c- Trục xuất.

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: 1. Buộc hoàn trả số tiền bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích; 2. Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu, báo cáo có số liệu, nội dung sai sự thật.

Xử phạt vi phạm hành chính

Dự thảo quy định, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi vi phạm quy định về hoạt động khoa học và công nghệ, phạt cảnh cáo đối với cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước vượt quá thời gian đã cam kết mà không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước giao nhiệm vụ.

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức kê khai sai sự thật trong hồ sơ tham gia tuyển chọn, xét chọn một trong những nội dung sau: a- Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì; b- Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ; c- Năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp thực hiện.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi sau: a- Báo cáo sai sự thật về tiến độ, nội dung, kết quả nghiên cứu; b- Nộp hồ sơ, tài liệu để phục vụ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có số liệu, nội dung sai sự thật. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ báo cáo, tài liệu có số liệu, nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định này.

Khi vi phạm chính sách khuyến khích ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau: a- Sử dụng không đúng mục đích số kinh phí được ưu đãi, hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; b- Thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung đã cam kết để được ưu đãi, hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi gian lận, giả mạo để được hưởng hỗ trợ, ưu đãi của chính sách khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ…

Dự thảo Nghị định cũng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của: Thanh tra chuyên ngành về khoa học và công nghệ, Chủ tịch UBND, Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, cơ quan Thuế, Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.