Đổi mới sáng tạo bứt phá nhờ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

18:27 - 06/07/2025

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 lần đầu tiên trao cho TP Hà Nội quyền thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điều này không chỉ mở ra hành lang pháp lý linh hoạt, cho phép các mô hình, công nghệ và giải pháp mới được thử nghiệm trong môi trường an toàn, có kiểm soát, mà còn tạo điều kiện để Hà Nội chủ động phát huy tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số toàn diện, từng bước khẳng định vị thế trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.


TP Hà Nội luôn lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để đồng hành cùng xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cùng vai trò của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong quản lý và phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam. Một trong những điểm mới nổi bật của luật là cho phép thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) nhằm tạo hành lang pháp lý linh hoạt cho các mô hình, công nghệ và chính sách mới được thử nghiệm trong phạm vi giới hạn, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Cơ chế sandbox được kỳ vọng tháo gỡ các rào cản về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát huy sáng tạo, thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số toàn diện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Luật cũng chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tập trung vào đánh giá kết quả và quản lý rủi ro dựa trên thực tiễn, phù hợp với đặc thù phát triển nhanh, liên tục của khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Luật KH,CN&ĐMST còn tháo gỡ các vướng mắc về sở hữu trí tuệ, cho phép các tổ chức nghiên cứu được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ, thúc đẩy thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn. Luật cũng thiết lập nền tảng số quốc gia về KH,CN&ĐMST, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo minh bạch, linh hoạt và hiệu quả.

Việc áp dụng cơ chế sandbox sẽ giúp Việt Nam, trong đó có Hà Nội, chủ động kiểm soát rủi ro, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các sáng kiến, công nghệ mới được thử nghiệm, hoàn thiện và nhân rộng. Đây là bước đi phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới và là nền tảng để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.

Trao quyền thử nghiệm chính sách mới cho Hà Nội

Luật Thủ đô 2024, có hiệu lực từ năm 2025, đánh dấu bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên trao cho Hà Nội quyền thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời là bước đột phá trong thể chế, mở ra "vùng thử nghiệm" linh hoạt, an toàn, giúp Hà Nội dẫn dắt những mô hình công nghệ tiên phong, từ đó, tạo điều kiện cho kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ dễ dàng đi vào cuộc sống cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số toàn diện.

Ngoài ra, cơ chế sandbox còn được xem là "vùng thử an toàn" để các startup, doanh nghiệp công nghệ có thể triển khai giải pháp mới mà không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý cứng nhắc. Theo CEO Founder của Lectron - đơn vị cung ứng giải pháp thiết kế web và an ninh mạng, chia sẻ: "Chúng tôi từng chứng kiến nhiều sản phẩm tiềm năng không triển khai được vì "vướng". Sandbox sẽ giúp sáng tạo không còn sợ rủi ro pháp lý ngay từ bước đầu". Doanh nghiệp kỳ vọng Hà Nội thử nghiệm không chỉ công nghệ mà cả mô hình quản lý sáng tạo như tổ dân phố số, lớp học công nghệ cộng đồng hay bệnh viện kết nối AI nếu có hành lang pháp lý linh hoạt…

Trước đó, tại hội nghị Thành phố làm việc với các nhà khoa học để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, Thành phố cần cụ thể hóa các mục tiêu và xác định điểm đột phá. Trong đó, phải lựa chọn các sản phẩm chủ lực về khoa học công nghệ, chọn một vài sản phẩm khoa học công nghệ trọng điểm mà thành phố có thế mạnh, ví dụ như vi mạch, chip AI… Hà Nội có thể lựa chọn một số đơn vị để thí điểm, nếu thành công thì mở rộng mô hình đó ra các đơn vị khác. Đặc biệt, Hà Nội cần tận dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) để làm thí điểm thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng nhấn mạnh, TP Hà Nội luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, các giải pháp khả thi và đồng hành cùng xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Lãnh đạo UBND Thành phố cũng khẳng định, Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng như xây dựng Thành phố trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, với tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trên 50% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và thu hút từ 1-2 tập đoàn công nghệ lớn đầu tư nghiên cứu và sản xuất.

Chính quyền thành phố mong muốn xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, mở rộng phủ sóng 5G và phát triển mô hình đô thị thông minh. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ bán dẫn được khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng.

Việc trao quyền thử nghiệm chính sách mới cho Hà Nội theo Luật Thủ đô 2024 được đánh giá là bước đột phá về thể chế, tạo điều kiện để Thành phố chủ động, linh hoạt trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Theo Kinhtedothi

Các bài viết khác