Việt Nam đang từng bước sánh vai với cường quốc năm châu

23:10 - 02/05/2017

 
<!--
-->

(28/12/2007) “Khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ), chúng tôi đã bồi hồi nhớ đến tâm nguyện của Bác Hồ mong muốn Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu. Là Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa tâm nguyện đó”, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã nói như vậy tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng 28-12.

Đúng vị thế Việt Nam

Kết thúc năm 2006 với những thắng lợi rực rỡ, tưởng chừng công tác đối ngoại của Việt Nam sẽ lắng xuống trong năm 2007, song hàng loạt sự kiện ngoại giao quan trọng diễn ra đã đẩy con thuyền Việt Nam tiến nhanh trên đường hội nhập quốc tế. Đỉnh cao của hoạt động đối ngoại là việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ với số phiếu bầu rất cao, 183/190 phiếu. “Trong số các nước ASEAN từng được bầu vào HĐBA LHQ, chưa nước nào có được số phiếu cao như Việt Nam. Điều đó chứng tỏ vị thế của Việt Nam được các nước quan tâm, đánh giá đúng. Nó cũng thể hiện tình cảm, sự trân trọng của bạn bè thế giới với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được”, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhận xét.

Phó thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh việc Việt Nam được bầu vào HĐBA LHQ, trong năm 2007 còn nhiều sự kiện khác đáng quan tâm. Đó là sự giao lưu của lãnh đạo nước ta với các nước đã tăng cường hiểu biết của Việt Nam với bạn bè thế giới và ngược lại, cũng như nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Ngoài những nước truyền thống, các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước còn mở rộng ra nhiều quốc gia khác. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Mỹ là một sự kiện rất đáng ghi nhận trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc được thế giới đánh giá rất cao. Đó được coi biểu hiện rất mới, xứng đáng với tầm vóc Việt Nam. Thế giới mong muốn Việt Nam với vị thế của mình sẽ có đóng góp quan trọng cho tiến trình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên. Chuyến công du của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đến Trung Đông, nơi có tiềm năng kinh tế rất lớn, đã mang về nhiều nguồn đầu tư cho đất nước.

Điểm sáng ngoại giao kinh tế

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, ngoài nhiệm vụ thường xuyên, trong năm 2007, gần như tất cả các cố gắng, nỗ lực của Bộ Ngoại giao đều tập trung cho ngoại giao kinh tế. Bộ Ngoại giao đã tiếp xúc với các đại công ty, các ông chủ lớn, mời họ đến Việt Nam. Với chủ trương đó, năm 2007, ngành ngoại giao đã góp sức không nhỏ để đất nước thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 20 tỷ USD. Không những vậy, tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ vừa qua, Việt Nam nhận được cam kết tài trợ hơn 5,4 tỷ USD. Những con số kỳ diệu đó nói lên nhiều điều. Nó thể hiện rằng, Việt Nam là địa điểm tin cậy cho nhà đầu tư với sự ổn định về chính trị, an ninh. Nguồn đầu tư ODA vào Việt Nam cơ bản có hiệu quả với bước chuyển rất lớn trong việc chống tham nhũng. Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhận định, với việc nắm đúng thời cơ khi Việt Nam gia nhập WTO, thắng lợi về ngoại giao kinh tế đã trở thành điểm sáng.

Vẫn còn “nợ” bà con kiều bào

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm dự đoán bà con Việt kiều năm nay sẽ về quê ăn Tết đông hơn. Đó là hệ quả của việc bỏ thị thực đối với Việt kiều, một chính sách làm nức lòng bà con. Quán triệt tinh thần của Đảng và Nhà nước coi người Việt Nam sinh sống nước ngoài là “máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, Bộ Ngoại giao đã làm khá tốt công tác về người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài trong năm qua với việc đề xuất với Chính phủ ban hành nhiều chính sách thông thoáng. Việc bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã được xúc tiến đầy đủ hơn. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng thừa nhận, ngành ngoại giao vẫn còn “nợ” bà con kiều bào. Đó là vấn đề hai quốc tịch, vấn đề được phép mua nhà trong nước.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, hai mục tiêu chính của ngành ngoại giao trong năm 2008 là hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới Việt – Trung và đảm đương tốt năm đầu trong vai trò Ủy viên không thường trực của HĐBA. Năm 2009, trọng tâm của ngành ngoại giao là ngoại giao văn hóa để tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010.

BẢO TRUNG

Nguồn: QĐND

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266