Chỉ số cạnh tranh CNTT của Việt Nam tăng 3 bậc

23:10 - 02/05/2017

Liên minh Tình báo kinh tế và Liên minh Phần mềm doanh nghiệp vừa công bố Bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh CNTT năm 2011, chỉ số xếp hạng của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2009.

Bảng xếp hạng so sánh và xếp hạng môi trường công nghệ thông tin (CNTT) của 66 nền kinh tế nhằm xác định những khu vực mà các nền kinh tế cần chú trọng để nâng cao tính cạnh tranh cho ngành CNTT của mình.

Về các chỉ số đánh giá, Việt Nam đạt điểm số 60,8 cho môi trường kinh doanh; 23,5 cho hạ tầng CNTT; 23,5 cho nguồn nhân lực; 0,2 cho môi trường nghiên cứu và phát triển (R&D); 50 cho môi trường pháp lý và 43,5 cho sự hỗ trợ phát triển CNTT, xếp hạng 53/66 nền kinh tế được đánh giá. Bảng xếp hạng năm nay chứng kiến sự cải tiến vượt bậc của Malaysia, tăng 11 bậc lên vị trí 31; Ấn Độ nhảy 10 bậc lên vị trí thứ 34; Singapore tăng 6 bậc lên vị trí thứ 3. Hai vị trí dẫn đầu là Hoa Kỳ, Phần Lan.

 

Bảng xếp hạng đánh giá trên cơ sở 6 chỉ số cơ bản:

- Môi trường kinh doanh (số điểm chiếm 10%): xem xét đánh giá chính sách đầu tư nước ngoài, bảo vệ tài sản cá nhân, các quy định về kinh doanh của nhà nước và sự tự do cạnh tranh.

- Hạ tầng CNTT (số điểm chiếm 20%), bao gồm mức chi tiêu cho phần mềm, phần cứng và dịch vụ CNTT, sở hữu máy tính cá nhân, an toàn an ninh Internet, mức độ thâm nhập của di động và băng rộng.

- Nguồn nhân lực (số điểm chiếm 20%), bao gồm số lượng sinh viên vào đại học, các khóa học về khoa học, vấn đề tuyển dụng và chất lượng kỹ năng công nghệ.

- Môi trường nghiên cứu và phát triển (số điểm chiếm 25%), bao gồm chi tiêu cho R&D cả khu vực tư nhânvà nhà nước, số các bằng sáng chế mới mỗi năm cũng như số tiền thu được từ bản quyền và phí cấp phép bản quyền.

- Môi trường pháp lý (số điểm chiếm 10%) đánh giá tổng thể về Luật Sở hữu trí tuệ, sự thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hiện trạng luật về chữ ký điện tử, bảo vệ thông tin riêng và tội phạm mạng.

- Sự hỗ trợ để phát triển CNTT (số điểm chiếm 15%) bao gồm tiếp cận nguồn vốn đầu tư, tiến trình phát triển chính phủ điện tử, chi tiêu công cho CNTT và việc không có sự hỗ trợ "đặc thù" của chính phủ cho các công nghệ hoặc ngành cụ thể.

Những năm gần đây được coi là giai đoạn bùng nổ CNTT với rất nhiều dòng sản phẩm và xu thế công nghệ mới, hiện đại ra đời. Việc ứng dụng CNTT vào mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế - chính trị - xã hội đã trở thành một xu thế chung của phần lớn quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đi cùng với sự phát triển vượt bậc đó thì vai trò của những người lãnh đạo CNTT (CIO), cũng được chú ý và nhìn nhận đúng đắn trên thế giới. Chức danh, cũng như vai trò lãnh đạo của các CIO ở Việt Nam đã được nhìn nhận và đánh giá cao từ phía các nhà lãnh đạo, chuyên gia và cộng đồng CNTT.

Cuối tháng 7/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định thành lập Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước (gọi tắt là Hội đồng CIO). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm của Nhà nước ta dành cho những nhà lãnh đạo CNTT.

Trong khi đó, Chính phủ đang dành nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT, hướng đến chính phủ điện tử. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong thời đại mới, thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” và “Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.

Những cơ sở pháp lý này đã và sẽ tạo cho CNTT sức bứt phá mới.

Nguồn: chinhphu.vn

Các bài viết khác

 

Đường dây nóng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc:

- Về đầu tư: 0946.626.286
- Các vấn đề khác: 0922.662.266